Xu thế thời đại, hướng tới nền kinh tế xanh

26/06/2024

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về lộ trình cắt bỏ nhiệt điện than, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Trong đó, việc phát triển nhiệt điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) được kỳ vọng sẽ giúp ngành Điện giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than vốn đang chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh...

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Do đó, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; đồng thời có nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, vì LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau Hội nghị COP21.

Việc xây dựng các dự án điện LNG từ nay đến năm 2035 là nhu cầu cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế đất nước song song với hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net zero) vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) để phát điện chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2035.

Duy Nguyễn, tổng hợp từ Vietnam Financial Times