Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm trên thế giới và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải được đặt lên hàng đầu.
Đến nay, KCN bền vững được nhìn nhận ở 4 góc độ, bao gồm:
(i) Bền vững trong nội tại KCN thông qua sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, có biện pháp giảm phát thải và xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường;
(ii) Tính cộng sinh với các DN khác để đảm bảo chu trình kinh tế khép kín, tuần hoàn và tận dụng nguyên nhiên vật liệu của nhau, hạn chế tối đa các phế phẩm trong quá trình sản xuất đến môi trường;
(iii) Đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác;
(iv) Đảm bảo mối quan hệ với cộng đồng địa phương thông qua thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN trong KCN.
Như vậy, có thể thấy, vai trò của KCN bền vững trong thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhìn nhận ở cả 3 trụ cột, như sau:
Đối với kinh tế: Phát triển KCN bền vững tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương và cả nước, đặc biệt là thúc đẩy phát triển công nghệ phụ trợ, nâng cao ứng dụng công nghệ trong DN vừa và nhỏ. Theo đó, bản thân các DN trong KCN bền vững sẽ gia tăng hiệu quả hoạt động nhờ tận dụng được lợi thế vốn có của KCN bền vững. Bởi, các DN trong KCN bền vững sẽ tiết kiệm chi phí trên cơ sở sản xuất mang tính liên kết và tuần hoàn với các DN khác.
Đối với xã hội: KCN bền vững thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, KCN bền vững cũng tạo động lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương trên cơ sở đòi hỏi cao về nguồn nhân lực lành nghề và chất lượng cao, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực này cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Các dự án phát triển nhà ở, cải tạo và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đã đảm bảo đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với môi trường: KCN bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường, giúp giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường, giảm chất thải công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, sử dụng nguyên liệu tái tạo. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ cao, thân thiện trong các hoạt động sản xuất và xử lý rác thải.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai mô hình KCN bền vững dưới dạng các KCN sinh thái và KCN công nghiệp - đô thị - dịch vụ, song ở Việt Nam mô hình này vẫn còn khá mới mẻ và mới chỉ đang được thực hiện thí điểm ở một số KCN. Cách thức triển khai mô hình KCN bền vững ở Việt Nam là chuyển đổi từ các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái bằng cách chú trọng đến các tiêu chí của mô hình KCN sinh thái. Đây là cách làm khác so với các quốc gia trên thế giới là hình thành và xây dựng KCN sinh thái ngay từ đầu.
Một số rào cản về việc chuyển đổi các KCN ở Việt Nam sang mô hình KCN sinh thái hay mô hình KCN - đô thị - dịch vụ
Về thể chế chính sách và cơ chế quản lý
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, nhưng tính pháp lý của Nghị định này vẫn chưa đủ mạnh, do thiếu cụ thể và có thể dễ dàng bị thay thế bởi các luật, nghị định chuyên ngành khác. Trong thực tế triển khai, KCN phát triển theo hướng bền vững thông qua mô hình KCN sinh thái hay KCN - đô thị - dịch vụ liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Ngoài ra, cơ chế quản lý KCN theo hướng bền vững đang vận hành theo hướng chịu sự quản lý và giám sát của nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của các DN trong KCN.
Về quy hoạch và phát triển hạ tầng KCN.
Với quan điểm xây dựng mô hình KCN phát triển theo hướng bền vững từ nền tảng các KCN đã có sẵn kéo theo việc phải điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, với nhiều vấn đề phát sinh. Bởi, đối với phát triển KCN bền vững, ngay từ đầu đã cần phải có quy hoạch tổng thể để chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, nhất là nguồn quỹ đất, bởi các KCN cần liên kết đảm bảo tính cộng sinh công nghiệp. Theo đó, xây dựng KCN bền vững cần phải nằm ở vị trí thuận lợi, tiện kết nối phát triển các cụm công nghiệp sản xuất phụ trợ, hạn chế chi phí vận chuyển trong liên kết, trao đổi, tái chế sản phẩm và thuận lợi trong việc khai thác các nguồn lực dịch vụ, năng lượng dùng chung. Nghĩa là đòi hỏi công tác quy hoạch phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cho sự phát triển chung của một khu vực và một vùng, đi kèm với nguồn lực đầu tư được quản trị hiệu quả.
Về nguồn vốn và ý thức tham gia liên kết ngành của các DN trong KCN phát triển theo hướng bền vững.
Để chuyển đổi theo hướng KCN bền vững, đòi hỏi bản thân các DN trong KCN phải có năng lực quản trị và dự báo tốt, thêm vào đó cần có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, nhất là hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN bền vững, điều này đã tạo ra rào cản không nhỏ cho các DN trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN bền vững. Hơn tất cả là ý thức tham gia liên kết và cộng sinh giữa các DN trong KCN còn đang tồn tại những rào cản vô hình, tâm lý e ngại chuyển đổi do phải thực hiện nhiều quy trình hơn so với việc không tham gia.
Giải pháp thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững
Để thúc đẩy phát triển KCN bền vững trong giai đoạn tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ nhiều bên liên quan, đó là:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ hoạch định chính sách theo hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh các KCN bền vững. Trước tiên, cần tạo dựng khung thể chế pháp lý riêng về KCN bền vững nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho các bên liên quan tham gia mô hình này. Trong đó, cần phải có định hướng và lộ trình rõ ràng về phát triển KCN bền vững; cùng với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cũng như các chính sách kinh tế, môi trường và xã hội liên quan. Đặc biệt, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các DN cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất đảm bảo sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như hình thành mối quan hệ cộng sinh công nghiệp giữa các DN trong các công đoạn sản xuất hướng tới phát triển bền vững.
Thứ hai, Chính phủ cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN bền vững với tầm nhìn xa hơn, với quy mô vùng và liên vùng. Còn đối với chính quyền địa phương cần đánh giá khả năng chuyển đổi các KCN sang mô hình KCN bền vững để xây dựng lộ trình chuyển đổi cụ thể, tránh gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về quỹ đất, hỗ trợ di dời và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN bền vững phải ưu tiên lựa chọn các DN có lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh bổ trợ hoặc liên kết với nhau vào trong cùng một KCN dựa trên định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của địa phương.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến đến các DN và người dân về phát triển KCN bền vững, cùng những lợi ích của nó đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nền kinh tế. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với DN để nắm bắt kịp thời những vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN bền vững, từ đó có giải pháp chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Huy Đinh, tổng hợp từ Tạp chí tài chính.