Hài hòa các chính sách tài khóa, tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng

29/08/2024

Mới đây, tại Chỉ thị số 29/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng nội địa. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tài khóa một cách mở rộng nhưng có trọng tâm, phối hợp linh hoạt với các chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Chính sách hỗ trợ thuế được đánh giá cao vì đã có ảnh hưởng tích cực và đủ dài để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, phí, và tiền thuê đất, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tổng quy mô hỗ trợ thuế và phí từ 2020 đến 2023 đạt khoảng 700 nghìn tỷ đồng, và dự kiến vượt 900 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm. Chính phủ cũng đã thông qua giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước trong ba tháng cuối năm để kích cầu tiêu dùng.

Một số chuyên gia khuyến nghị nên trở lại chính sách tài khóa bình thường như trước đại dịch. Khi nền kinh tế có dấu hiệu tích cực và dự báo tăng trưởng cao, việc duy trì chính sách tài khóa nới lỏng có thể không còn cần thiết. Chính phủ đang xem xét việc chuyển các chính sách tài khóa trở lại trạng thái bình thường trước COVID-19.

Duy Nguyễn tổng hợp từ Thời báo Tài chính Việt Nam