Doanh nghiệp lĩnh vực nông sản tận dụng hiệu quả EVFTA

05/07/2023

EVFTA là gì ?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Eu là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên giữa Việt nam và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp đinh EVFTA có hiệp lực từ 1 tháng 8 năm 2020, kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU, mang lại nhiều cơ hội và thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp định thực thi trong hơn 2 năm đã tạo cú hích lớn cho thị trường xuất khẩu hàng hóa nói chung và thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.

Cơ chế thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU

EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 

Đến năm 2027, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy: với hiệp định EVFTA, 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. 

Kết quả sau hơn 2 năm thực thi hiệp định EVFTA

Năm 2022 tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU có những bước tiến vượt trội sau giai đoạn phức tạp của đại dịch COVID. Cụ thể sản lượng nông sản năm 2022 tăng 11% so với năm 2021, thúc đẩy giá trị xuất khẩu của năm 2022 đã tăng 15% so với 2021, 28% so với năm 2020. 

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU cụ thể như sau: cà phê (chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính sang EU), hạt điều (chiếm 33%), cao su (chiếm 7,9%), rau quả (chiếm 7,8%), hạt tiêu (chiếm 7,4%), gạo (chiếm 1,7%) và chè (chiếm 0,1%).

Về thị trường chủ lực: kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tại khu vực EU đều tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ: Đức (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU, đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020), Hà Lan (chiếm 22,5%, đạt 500 triệu USD, tăng 1,9%), Italy (chiếm 12,8%, đạt 285 triệu USD, tăng 3,2%), Tây Ban Nha (chiếm 9%, đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6%), Pháp (chiếm 6,4%, đạt 142 triệu USD, tăng 25,2%),... 

Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu: Phần Lan (tăng 198%), Hungary (tăng 86,9%), Cộng hoà Séc (tăng 49,2%).

Doanh nghiệp lĩnh vực nông sản cần làm gì để tận dụng tốt EVFTA

Hiệp định EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ, các giải pháp hiệu quả để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu khắt khe từ thị trường EU.

1.    Nắm vững quy định của EVFTA

Theo cam kết trong EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất đến các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững sẽ là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. 

Ví dụ như các thông tin về một số quy định cụ thể ảnh hưởng đến lĩnh vực nông sản như: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng…

Các quy định quan trọng về chấm dứt hình thức lao động cưỡng bức, không được sử dụng lao động trẻ em, không được phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp tại nơi làm việc...

Các quy định về phát triển bền vững, nguyên tắc về bảo vệ môi trường ví dụ như yêu cầu về chống biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng và lâm sản, bảo vệ tài nguyên sinh vật biển và thủy sản.

Chính vì thế, để tăng cường xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm rõ các điều khoản, chứng từ và thực thi bài bản. Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong từng khâu sản xuất, đảm bảo hàng hóa Việt Nam thực thi đúng cam kết trong EVFTA. 

Đặc biệt hiện nay EU đang tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định với hàng loạt quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Do đó doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để kịp thời nắm bắt thích nghi trước những rà soát và điều chỉnh quy định từ thị trương EU.

2.    Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng

Mặc dù chất lượng sản phẩm trong thời gian qua đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được về chất lượng. 

Đáng chú ý, hiện nay EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (cơ chế này xuất phát từ việc phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU như nhiễm vi khuẩn, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. 

Do đó ngoài tập trung nâng cao năng suất, doanh nghiệp cần sản xuất đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, quản lý giám sát hiệu quả tất cả các khâu từ khâu sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời tăng cường đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu của thị trường và tận dụng tốt mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Ví dụ, đối với thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao như EU, cần có những nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực, đồng nghĩa với việc phải xây dựng một danh mục hàng hóa nông sản xuất khẩu tạo ra lợi thế cạnh tranh để sẵn sàng cho tiêu chuẩn vô cùng khắt khe tại thị trường EU. Cải tạo và phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các quy trình gây giống, nuôi trồng tiến bộ, hiệu quả, tổ chức các hoạt động sản xuất một cách có tổ chức, quy hoạch cụ thể, hiện đại.

3.    Chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh sẵn sàng cho sức ép cạnh tranh từ thị trường quốc tế

Việc ký kết Hiệp định EVFTA, đồng nghĩa với việc, Việt Nam phải sẵn sàng cho việc tiếp nhận ồ ạt các sản phẩm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã có xuất xứ từ EU. Hệ quả là, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được. 

Doanh nghiệp buôc phải nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, học tập, áp dụng các mô hình thành công. Chú trọng đồng bộ về kĩ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quá trình sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm đáp ứng với nhu cầu thị trường.

4.    Sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải, có trách nhiệm với xã hội

Trong thời gian tới, các quy định bắt buộc của EU về hàng hóa nhập khẩu sẽ có hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ những quy định này bằng cách chuyển đổi sản xuất thích ứng với sản xuất xanh, sạch, phát triển bền vững.

Để làm được điều đó,doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, các quy chuẩn đề hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU. 

Bên cạnh đó tích cực tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.

5.    Chủ động cập nhập thông tin về EVFTE, thông tin thị trường EU

Doanh nghiệp chủ động tìm hiểu Hiệp định EVFTA thông qua việc tham gia các chương trình, hội nghị, hội thảo, kháo tập huấn về EVFTA do các đơn vị tổ chức. Chủ động tra cứu tài liệu, tra cứu thông tin trên các trang thông tin uy tín, có tính cập nhập, ví dụ như trang thông tin điện tử về EVFTA của Bộ Công Thương tại địa chỉ evfta.gov.vn.

Doanh nghiệp cần cập nhập thông tin thay đổi về sinh và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, các tiêu chí tăng trưởng xanh trong lĩnh vực của mình. Nhằm đảm bảo rằng sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng đúng các yêu cầu và tiêu chuẩn của EVFTA.

Tăng cường hợp tác và đối thoại với các cơ quan chức năng, tổ chức và hiệp hội trong và ngoài nước. Doanh nghiệp nên tham gia các buổi họp, sự kiện, cuộc thảo luận với các cơ quan chức năng, tổ chức và hiệp hội liên quan đến EVFTA. Điều này giúp doanh nghiệp tìm kiếm hỗ trợ, tư vấn và thông tin mới nhất về EVFTA.

Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường từ đó đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp.

Thêm vào đó việc liên tục theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương  cũng sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại và quan trọng hơn là bảo vệ các quyền lợi của doanh nghiệp trong khuôn khổ của EVFTA.

6.    Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiếp thị

Doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản. Ở nhiều doanh nghiệp việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường làm ảnh hưởng đến xây dựng, phát triển thương hiệu Việt. Bên cạnh đó hoạt động quảng bá tiếp thị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu trong nông nghiệp trên địa bàn vùng, địa phương chưa có kế hoạch hành động bài bản, hiệu quả.

Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đúng mức đến hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đến thị trường EU.

Tham gia cùng với Chính phủ và các cơ quan quản lý kinh tế trong đẩy mạnh việc triển khai các chương trình quảng bá - marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình. 

Tiếp thị thông qua việc tham gia triển lãm, hội chợ, sự kiện và sử dụng các kênh tiếp thị trực tuyến, doanh nghiệp có thể tạo sự nhận biết và tạo niềm tin cho khách hàng cũng như tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu Việt treen thị trường quốc tế.

Lợi Phạm