Việt Nam - Israel (VIFTA) Mở cánh cửa cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông

01/08/2023

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán từ ngày 2/4/2023 sau hơn 7 năm với 12 phiên đàm phán, và được chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023.

Hiệp định gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được coi là một FTA quan trọng, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Israel cũng như thâm nhập thị trường Trung Đông rộng lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng của Việt Nam như da giày, thủy sản, trái cây…

Cơ hội lớn cho hàng Việt

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng xuất khẩu thủy sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, việc ký kết VIFTA có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thị trường Israel tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng là thị trường rất tiềm năng bởi sức mua và khả năng thanh toán cao.

Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.

Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra...

Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.

Thêm vào đó, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế theo lộ trình giảm thuế mà hiệp định này đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đáng lưu ý, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam - Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã ký kết VIFTA tại Israel vào ngày 25/7/2023, theo Bộ Công Thương.

Hiệp định được đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Israel đang phát triển tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. VIFTA được ký kết là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau 7 năm với 12 phiên đàm phán và càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thỏa thuận này được giới chuyên môn đánh giá cao. PGS. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, VIFTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Israel là quốc gia có nền công nghệ rất phát triển. Đất nước cũng cần rất nhiều sản phẩm làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất nông sản chủ lực. VIFTA được triển khai sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang Israel, đồng thời Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao của Israel, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ sung cho nhau. VIFTA là một bước đi chiến lược của cả hai nước, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại song phương và thắt chặt quan hệ kinh tế, giúp doanh nghiệp hai nước tiếp cận tốt hơn thị trường của nhau để cùng có lợi.

“Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của Israel, nhập khẩu là hoạt động thương mại chính của Israel, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Israel nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD hàng tiêu dùng mỗi năm và ngành hàng này là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tạo điều kiện để có thể tận dụng thế mạnh tri thức và kỹ thuật công nghệ cao của Isarel, cả hai lĩnh vực mà Việt Nam đang cần. Đây có thể coi là cơ hội cho Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu”, ông Ngô Trí Long nói thêm.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel ngày càng tăng. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt gần 2 tỷ USD, năm 2021 đạt 2,3 tỷ USD, năm 2022 đạt 2,6 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. VIFTA được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam sang Israel.

Tìm giải pháp tận dụng hiệu quả VIFTA

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng rất lớn vào VIFTA và cho rằng Israel là thị trường có tiêu chuẩn cao. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đầy đủ các quy định và thông lệ kinh doanh của quốc gia này và các đối tác của họ để hợp tác lâu dài.

Mặc dù các tiêu chuẩn của thị trường Israel không khắt khe như Mỹ, EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn của người mua hàng. Chẳng hạn trái cây tươi ít nhất phải đạt tiêu chuẩn Global Gap. Với thực phẩm chế biến sẵn cần lưu ý một số tiêu chuẩn cụ thể như Chứng nhận Kosher - tiêu chuẩn ăn kiêng của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, tuy nhiên, các sản phẩm không phải Kosher có thị phần nhỏ hơn ở Israel. Hầu hết các siêu thị và khách sạn từ chối sử dụng các sản phẩm không có chứng nhận này.

Israel cũng là thị trường xa Việt Nam nên doanh nghiệp phải có công nghệ bảo quản phù hợp để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, năng lực cạnh tranh đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nên cần lưu ý một số vấn đề. Doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin về chính sách, thị trường, rào cản thương mại để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải hoạt động chuyên nghiệp hơn để tiếp cận thị trường Israel bởi đây là thị trường có sức cạnh tranh lớn và điều kiện tốt. Hơn hết, nền khoa học công nghệ của Israel rất phát triển nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đặc biệt chú trọng.

“Lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng hiệu quả cơ hội VIFTA là phát huy tính chủ động tiếp cận thị trường và tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu”, PGS.TS Ngô Trí Long nói thêm.

Nguồn: Nhandan

Lợi Phạm