Việt Nam tìm giải pháp “giữ chân” doanh nghiệp FDI khi Thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng

21/06/2023

Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến sẽ chính thức được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024. Việc thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu buộc Việt Nam phải có sự chuẩn bị, sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời đề xuất các giải pháp hài hòa lợi ích giữa quốc gia và nhà đầu tư.

I. Thuế tối thiểu toàn cầu

Nguyên tắc

Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT – viết tắt từ Global Minimum Tax) là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024.

Về cơ bản cơ chế của chính sách này sẽ phân bổ lại quyền của các chính phủ trong đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số dựa trên nơi tạo ra doanh thu dù họ có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không.

Nội dung đánh thuế là 15% đối với những doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (tương đương 815 triệu USD) và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu từ 10% trở lên.

Trường hợp nếu được hưởng mức thuế thấp hơn 15% tại quốc gia đang đầu tư thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại, hoặc sẽ phải nộp đủ 15% nếu được miễn hoàn toàn cho quốc gia mà họ có trụ sở chính. Nói tóm lại, dù như thế nào, doanh nghiệp cũng cần nộp số thuế 15%.

Mục tiêu

Mức thuế tối thiểu toàn cầu được đặt ra nhằm mục đích giảm bớt sự cạnh tranh về thuế và sự dịch chuyển lợi nhuận trong mọi lĩnh vực kinh tế.

Thuế tối thiểu toàn cầu là giải pháp quốc tế tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng của hệ thống thuế giữa các quốc gia. Theo đó chống thất thu thuế từ những hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá, qua đó góp phần tăng thu ngân sách.

Khi áp dụng tại Việt Nam

Theo số liệu mới nhất, có hơn 1.000 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của chính sách này.

Do đó khi mức thuế được triển khai cơ bản sẽ có tác động hai mặt đến các quốc gia nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Một mặt giúp tăng thu thuế cho Việt Nam trong khi mặt khác có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài khi các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam không còn tác dụng.

II. Các giải pháp dự kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp FDI và thu hút vốn đầu tư mới

Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu cẩn trọng đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, đồng thời cam kết việc hỗ trợ hài hòa lợi ích giữa nhà nước và chủ đầu tư, tuân theo nguyên tắc hỗ trợ theo phân nhóm, ngành chứ không cào bằng, các chính sách phải phù hợp với Việt Nam cũng như tuân thủ theo các quy định của chính sách.

Chính phủ thành lập Tổ công tác để nghiên cứu và đề xuất chính sách và giải pháp phù hợp cho Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Chính phủ đã cho thành lập Tổ công tác để nghiên cứu và đề xuất chính sách và giải pháp phù hợp cho Việt Nam. Chính phủ đang chủ động, khẩn trương, thực hiện các chính sách, giải pháp và chỉ đạo các bộ ngành liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Nhấn mạnh tích cực rà soát và đánh giá tác động của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu và đề xuất phương án phù hợp. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt.

Kiến nghị các chính sách như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Trong thời gian qua, Việt Nam liên tục chỉnh sửa và hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế đã có Tờ trình, báo cáo đánh giá tác động trực tiếp cả trước mắt cũng như lâu dài khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu đối với hoạt động thu hút FDI. Từ đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Dự thảo Luật Thuế TNDN và các luật khác có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, với tinh thần bảo đảm ổn định môi trường đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư lớn.

Hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp

Bên cạnh đó cũng có các kiến nghị đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp. Cụ thể các hỗ trợ tài chính bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường

Đặc biệt giải pháp phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Dự kiến các chính sách này sẽ sớm được Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cùng các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền để Việt Nam chủ động trong chính sách, đảm bảo phù hợp với điều kiện tài chính của Việt Nam, phù hợp với quy tắc thuế mới.

Đưa ra chính sách phù hợp với từng nhóm nhà đầu tư để kịp thời bù đắp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng

Đối với nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam: có thể có hỗ trợ về tiền thuê đất, cho pháp tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân, bảo hiểm xã hội-y tế cho người lao động; nghiên cứu và phát triển; ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Đối với nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam năm 2024 có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực thu hút FDI.

Trao cơ hội chủ động và tôn trọng các cam kết với các nhà đầu tư

Có các kiến nghị giải pháp như trao cho nhà đầu tư cơ hội chủ động lựa chọn và tìm cách hỗ trợ nhà đầu tư với sự lựa chọn đó. Chẳng hạn, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đóng thuế tại Việt Nam ở mức ưu đãi và đóng luôn phần chênh lệch còn lại ở Việt Nam để đạt mức 15%, hoặc đóng phần chênh lệch còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính.

Việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu có nhiều thách thức, song quan trọng hơn là tạo cơ hội, thúc đẩy Việt Nam phải cải cách, đổi mới thu hút dòng vốn FDI, hoàn thiện khung pháp lý theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo niềm tin, tăng cường hội nhập và nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

 

 

Tài liệu tham khảo:

Ánh Tuyết (20230, “Chuẩn bị cho “sân chơi” thuế tối thiểu toàn cầu”, VnEconomy, truy cập ngày 21/06/2023, https://goeco.link/tHLqM

Đài truyền hình Việt Nam (2023), “Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội trong thách thức”, truy cập ngày 21/06/2023, https://s.net.vn/GvHC

Hoàng Phương Anh (2023), “Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại Việt Nam trước cơ chế thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu”, Tài chính vĩ mô.

Minh Phương (2023), “Xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, Báo tin tức, truy cập ngày 21/06/2023, https://bom.so/jdZgjj

VietNamNew (2023), “Việt Nam needs supports for foreign businesses when applying global minimum tax”, truy cập ngày 21/06/2023,  https://vietnamnews.vn/economy/1521762/viet-nam-needs-supports-for-foreign-businesses-when-applying-global-minimum-tax.html  

 

Lợi Phạm