Đầu tư nước ngoài (FDI) là một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Những năm gần đây, trải qua tác động của suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, căng thẳng chính trị leo thang, chiến tranh thương mại hay mới nhất là cơ chế thuế toàn cầu mới,…sự thu hẹp quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu là điều tất yếu, không ngoại trừ Việt Nam.
1. Căng thẳng địa chính trị
Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… làm giảm sút niềm tin kinh doanh và đầu tư, gây gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tác động mạnh tới đà phục hồi FDI toàn cầu.
Khi căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều nước lớn đưa ra chiến lược dịch chuyển sản xuất và nguồn vốn trở về bản địa hoặc sang các đối tác thân cận nhằm bảo toàn chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, Mỹ đưa ra chính sách giảm thuế thu nhập từ 25% về còn 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt nhằm tăng tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp; EU thiết lập nền kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát dòng đầu tư ra nước ngoài.
Điều này cho thấy rõ xu hướng địa lý của FDI, các nhà đầu tư đã tập trung hơn vào các nước gần về mặt địa lý, do đó dòng vốn vào châu Á giảm mạnh, Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi tác động.
2. Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
Thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2024, cụ thể sẽ đánh thuế (GMT) 15% đối với những doanh nghiệp có thu nhập hợp nhất trên 750 triệu EUR.
Khi chính sách được triển khai tại Việt Nam dự kiến khoảng 70 công ty ở Việt Nam có thể bị tăng thuế suất. Mức thuế suất này gây ra nhiều mối lo về giảm sức hút của Việt Nam trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập DN Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay có thể sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế.
Tuy vậy, thực tế đã có nhiều nhận định từ các chuyên gia cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam. Dòng vốn FDI có thể sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế hoặc bổ sung cho thị trường Trung Quốc trong tương lai gần.
Do vậy, có thể nhận định thuế suất tối thiểu toàn cầu với cơ chế thuế mới sẽ có những tác động nhất định, song khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam, do thực tế các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư, mà còn có các yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng... Các nhà đầu tư cũng tin tưởng để hạn chế tối ưu những ảnh hưởng này Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế suất tối thiểu toàn cầu khi cơ chế này được triển khai.
3. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Cuộc chiến thương mại kéo dài và gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid 19 làm chuyển dịch mạnh mẽ xu hướng đầu tư trên toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc là đối tác của Việt Nam trên thị trường, do đó Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ cuộc chiến này, trong đó bao gồm cả những thách thức và cơ hội.
Thách thức:
Cuộc chiến làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là của Mỹ và Trung Quốc (hai bạn hàng lớn của Việt Nam), qua đó làm giảm nhu cầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và tác động tiêu cực lên dòng vốn FDI.
Một số mặt hàng của Trung Quốc chịu ảnh hưởng của thuế suất, đặc biệt là các mặt hàng được sản xuất ra bởi các công ty trong nước, có thể bán phá giá sang thị trường Việt Nam (gây khó khăn cho sản xuất trong nước), hoặc đội lốt hàng hóa Việt Nam để xuất sang Mỹ (làm tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dẫn đến việc gia tăng nguy cơ Việt Nam bị Mỹ trừng phạt).
Nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ. Việc nhân dân tệ và một loạt các đồng tiền Châu Á khác mất giá mạnh gây khó cho Việt Nam trong việc vừa duy trì lợi thế cạnh tranh (về chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa xuất khẩu) trong thu hút FDI, vừa giữ vững ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.
Cơ hội:
Các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm một địa điểm đầu tư sản xuất ổn định hơn, ít rủi ro hơn. Trước sự căng thẳng của cuộc chiến này, các nhà đầu tư đang chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Trong khi những rắc rối của Trung Quốc với cuộc chiến tranh thương mại dai dẳng, Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, thu hút các nhà sản xuất toàn cầu với lao động giá rẻ, ưu đãi thuế và hệ thống logistics đang không ngừng được cải thiện, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.
Cơ hội nhập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc khi một số mặt hàng này của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của thuế suất Mỹ.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ nhiều hơn khi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ khá giống so với hàng Trung Quốc.
4. Cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gay gắt
Cụ thể, Ấn Độ đang dần trở thành một cực nổi lên với mức thu hút FDI mạnh mẽ. Ấn Độ ban hành các chính sách như miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới trên 100 triệu USD và dành ra hơn 460.000ha đất “sạch” để thu hút các hãng sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển về. Ấn Độ đang có lợi thế lớn về nguồn nhân lực dồi dào, đào tạo nhiều kỹ sư nhất thế giới, trong khi tiền lương thấp hơn nhiều (khoảng 60 - 70% so với Việt Nam).
Indonesia cũng tích cực ban hành nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm chào đón nhà đầu tư nước ngoài như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% kể từ năm 2022, đồng thời dành riêng khoảng 4.000 héc ta đất nhằm tạo lập một tổ hợp các khu công nghiệp mới.
Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm và hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực.
Do vậy, Việt Nam để gia tăng tính cạnh tranh hơn nữa cần sớm, thậm chí cấp bách giải quyết từ gốc những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế của các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Có các ưu đãi phù hợp, các chính sách thu hút nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam.
Tổng hợp từ Bộ kế hoạch và Đầu tư
Lợi Phạm