Bản đồ cơ hội đầu tư SDG là gì?
Là một công cụ phân tích thị trường giúp các nhà đầu tư tư nhân tìm kiếm và xác định những lĩnh vực đầu tư tiềm năng và có thể đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals – gọi tắt SDG). Thông tin được trình bày dưới dạng Các lĩnh vực có cơ hội đầu tư (IOA), bao gồm những yếu tố như cơ hội và rủi ro thị trường, tỷ suất lợi nhuận, tác động cũng như rủi ro về môi trường và xã hội. Đây là những thông tin giúp hỗ trợ quá trình ra quyết định đầu tư và thúc đẩy hoat động gọi vốn của các doanh nghiệp, đồng thời cũng hữu ích cho những nhà hoạch định chính sách.
Phương pháp xây dựng Bản đồ cơ hội đầu tư SDG tuân theo quy trình “hình phễu”, bắt đầu bằng việc xem xét nhu cầu phát triển và ưu tiên chính sách của quốc gia, động lực đầu tư/tài chính của các bên liên quan trong khu vực công lập và tư nhân, các ngành, phân ngành ưu tiên và các vùng có nhu cầu phát triển cao nhất.
Hoạt động này được thực hiện dựa trên dữ liệu, bằng chứng nghiên cứu và giúp cung cấp thông tin công khai cho nhà đầu tư và chính phủ để tăng cường triển khai vốn đầu tư hiệu quả, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững SDG. Giới và bất bình đẳng, số hóa và khí hậu là một số chủ đề/khía cạnh căn bản để phân tích tất cả các lĩnh vực có cơ hội đầu tư (IOAs) trong Bản đồ cơ hội đầu tư SDG tại Việt Nam.
Phương pháp này cũng giúp xác định “Cơ hội mở”, tức (các) lĩnh vực đầu tư phục vụ nhu cầu tăng tốc phát triển trong bối cảnh quốc gia cụ thể nhưng chưa được coi là động lực chính sách thực sự theo cam kết của chính phủ hoặc chưa thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân do thiếu mô hình kinh doanh khả thi hoặc cả hai khía cạnh đó.
Thông qua phương pháp này, 24 bản đồ với hơn 350 IOAs cho các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trên phạm vi toàn cầu đã được hoàn thiện, công bố trên Nền tảng đầu tư SDG, tính đến tháng 8 năm 2022. Chỉ tính riêng khu vực ASEAN, cùng với Việt Nam, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan cũng đã xây dựng và công bố Bản đồ cơ hội đầu tư SDG.
Quy trình xây dựng Bản đồ cơ hội đầu tư
SDG BỨC TRANH ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM
Thực trạng đầu tư tư nhân
Đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong 30 năm qua. Năm 2020, đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài chiếm 66,2% tổng vốn đầu tư trên cả nước, đạt xấp xỉ 94,2 tỷ USD (GSO, 2021).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong bức tranh đầu tư tư nhân của Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/12/2021, Việt Nam có 34.527 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD (MPI, 2021).
Đầu tư tác động chiếm tỷ lệ không đáng kể, mặc dù mức độ quan tâm đã tăng lên từ năm 2015. Trong giai đoạn 2007 - 2017: tổng giá trị đầu tư của nhóm nhà đầu tư tác động tư nhân (PII) và tổ chức tài chính phát triển (DFI) tương ứng đạt 25 triệu USD cho 23 dự án và 1,4 tỷ USD cho 50 dự án (GIIN, 2018).
Ưu tiên của Chính phủ
Chính phủ Việt Nam coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Chính phủ tiếp tục cam kết thực hiện các chính sách cởi mở với đầu tư nước ngoài nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 là minh chứng cho cam kết này khi nhiều thủ tục hành chính về phê duyệt dự án đầu tư đã được cắt giảm. Chính phủ cũng quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và lĩnh vực ưu tiên nguồn vốn đầu tư trong nước. Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng các quy định, tiêu chuẩn mới để lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Báo cáo này trình bày điểm nổi bật của từng IOA, tương ứng với các lĩnh vực liên quan đến SDG, làm cơ sở để các nhà đầu tư khu vực tư nhân huy động vốn vào những lĩnh vực có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao cũng như tạo tác động phát triển.
Bản đồ cơ hội đầu tư SDG Việt Nam
Nguồn: UNDP
Lợi Phạm