Ảnh chính Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Halal

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Halal

21/05/2025

Thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng trong tương lai.

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) cho biết theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "cho phép" hoặc “hợp pháp” theo quy định của kinh Qur'an và luật Sharia của Hồi giáo. Halal không chỉ đơn thuần liên quan đến sản phẩm không chứa cồn, không chứa thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn và việc giết mổ theo nghi lễ Hồi giáo. Phạm vi của Halal rộng hơn, nhấn mạnh tính trong sạch của sản phẩm, gần nhất với trạng thái tự nhiên của chúng.

Thị trường Halal đang mở ra những cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến. Với dân số Hồi giáo khoảng 2 tỷ người, chiếm 25% dân số thế giới, nhu cầu về sản phẩm Halal ngày càng tăng cao. Dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.

Báo cáo Thị trường Thực phẩm Halal Toàn cầu năm 2024 của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research cho thấy giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt gần 2.548,5 tỷ USD trong năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,9% trong giai đoạn 2024-2031.

Nhu cầu về thực phẩm Halal không chỉ giới hạn trong các quốc gia Hồi giáo mà còn mở rộng ra các thị trường khác như Trung Quốc, nơi có cộng đồng Hồi giáo đông đảo với dân số ước tính từ 21 đến 23 triệu người và dự kiến đạt 30 triệu vào năm 2030.

Việt Nam, với lợi thế là một quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal. Hiện nay, các sản phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm nông sản và nguyên liệu thô. Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng nhận Halal, cho phép tiếp cận thị trường rộng lớn của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết.

Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Halal cũng đặt ra nhiều thách thức. Để thâm nhập vào thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc phải sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn của halal, và phải được chứng nhận đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal. Điều này áp dụng cho những sản phẩm không chứa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón, chất bảo quản có hại, chất thải, kháng sinh, hàng hóa bị cấm và các sản phẩm biến đổi gen. Halal cũng đề cập đến sự trong sạch trong hành vi và lương tâm, đòi hỏi những giá trị đạo đức tốt và lựa chọn đạo đức trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt Halal cũng chặt chẽ liên quan đến các vấn đề của nông nghiệp hữu cơ, thương mại công bằng, an toàn sản phẩm, thực hành kinh doanh đạo đức, hành vi con người đối với động vật và kinh tế sinh thái.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được hệ sinh thái Halal hoàn chỉnh, trong khi nhiều thị trường khác như Brazil, Singapore và Indonesia đã có vai trò lớn trong cung ứng và chiếm thị phần với kinh nghiệm và lợi thế lâu năm. Để khai thác hiệu quả thị trường Halal, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái Halal toàn diện và phát triển thương hiệu quốc gia về xuất khẩu nông sản Halal. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận Halal để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thị trường Halal toàn cầu trị giá 2.000 tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu.

Đáng chú ý, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có công văn 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc "Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal". Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu thông tin tại Báo cáo số 388/2025/TTĐT ngày 8/5/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đó, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal. Đồng thời, cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp doanh nghiệp trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu.

Tổng hợp từ Báo Công Thương, VietNam Halal, VOV