Ảnh chính Gạo Việt Nam trước nguy cơ cạnh tranh gay gắt về giá xuất khẩu

Gạo Việt Nam trước nguy cơ cạnh tranh gay gắt về giá xuất khẩu

26/02/2025

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 502 USD/tấn, giảm tới 18 USD/tấn so với đầu tháng 12/2024 và thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3 USD/tấn.

Từ đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm và hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu tháng 2/2025, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp không khỏi lo lắng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 17/2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gạo Việt Nam giảm mạnh trong thời gian qua. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm giá gạo là do Ấn Độ sau hai năm hạn chế xuất khẩu đã nới lỏng lệnh cấm và quay trở lại thị trường tạo sức ép giảm giá trên toàn cầu.

Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia đều suy giảm do trước đó đã nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo an ninh lương thực năm 2024 và hiện đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua. Đặc biệt, Philippines là thị trường chiếm hơn 46% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, khiến lượng đơn hàng từ thị trường này giảm mạnh.

Việc giá gạo xuất khẩu giảm càng trở nên đáng lo ngại khi Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ mùa lớn nhất trong năm. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng dự báo sẽ rất dồi dào, nhưng nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lại yếu khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại giá gạo sẽ tiếp tục giảm.

Để xuất khẩu gạo vượt qua các thách thức, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ,…

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông qua trao đổi với các thương nhân, doanh nghiệp hội viên và các đối tác liên quan, chủ động tìm hiểu và thông tin tới Bộ Công Thương những yếu tố cần lưu ý từ các thị trường gạo thế giới, đặc biệt với các thông tin dự báo chính sách, động thái của Chính phủ các nước liên quan đến hoạt động nhập khẩu gạo.

Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh để lệ thuộc vào một thị trường trong đó tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thế hệ mới mang lại như các khu vực thị trường mới như châu Mỹ (Peru, Mexico), EU.

Thảo Nhung (tổng hợp từ VnEconomy, Báo Nhân Dân, Vietnam+)